Hotline khách sỉ:

0986156446

Hotline khách lẻ:

0986156446

TỦ SÁCH “PHỤ NỮ TÙNG THƯ” và câu chuyện về một hướng làm sách chuyên sâu

Nội dung bài viết được lấy từ Tham luận của bà KHÚC THỊ HOA PHƯỢNG – Giám đốc – Tổng biên tập Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam tại Đại hội V- Hội Xuất bản Việt Nam nhiệm kì 2023-2028,  vào ngày 13/7/2023

I.ĐẶT VẤN ĐỀ

Khoảng 10 năm trở lại đây, các vấn đề về Giới ở Việt Nam được giới trẻ đặc biệt quan tâm. Trên một số diễn đàn mạng xã hội có những từ/cụm từ gây tò mò, thu hút sự tranh luận sôi nổi, liên quan đến giới, nữ quyền như: “nữ quyền lộng lẫy”, “nữ quyền độc hại”; đồng thời với đó là một số trang mạng tập trung vào chủ đề giới/nâng cao nhận thức về giới…thu hút được khá nhiều bạn trẻ theo dõi. Theo quan sát của chúng tôi, khá nhiều kiến thức mới về giới và nghiên cứu giới của thế giới đã được cập nhật ở Việt Nam thông qua kênh truyền thông mạng xã hội nêu trên, trong khi nhìn lại ở Việt Nam, nếu cần tìm hiểu hoặc tra cứu các vấn đề về giới, về nữ quyền, phụ nữ học, lịch sử phụ nữ Việt Nam, v.v trên các phương diện tư liệu, văn bản, công trình nghiên cứu một cách hệ thống thì thực sự khó khăn do tư liệu tản mát, không có nhiều các kết quả chuyên sâu hoặc các tư liệu không mang tính hệ thống. Điều này là một khoảng trống lớn trong nghiên cứu giới ở Việt Nam.

Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam trực thuộc Hội LHPN Việt Nam là cơ quan thông tin, tuyên truyền, giáo dục của Hội LHPN Việt Nam, chúng tôi tự nhận thức được rằng các đề tài sách về giới và nghiên cứu giới của Nhà xuất bản còn chưa phong phú; chưa đáp ứng được nhu cầu của bạn đọc trong xã hội hội nhập và hiện đại hôm nay; đồng thời cũng chưa đáp ứng được nhiệm vụ nghiên cứu của Hội LHPN VN. Chính vì những khoảng trống trên, Nhà xuất bản đã có kế hoạch đầu tư xây dựng một tủ sách có hệ thống các vấn đề về giới, lấy tên là Tủ sách Phụ nữ tùng thư (Giới và phát triển).